Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 43
  • Hôm nay: 1921
  • Trong tuần: 37 175
  • Tổng lượt truy cập: 7332730
  • Tất cả: 5176
Đăng nhập
Cách chăm sóc trẻ trong mùa nắng nóng
Lượt xem: 127
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao khiến trẻ ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách để phòng bệnh cho trẻ.
anh tin bai

Tắm giúp hạ nhiệt cơ thể, nhưng không nên cho trẻ tắm lâu

Để giúp trẻ luôn dễ chịu, thoái mái, cũng như phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh, dưới đây là những gợi ý về cách chăm sóc trẻ tốt nhất trong mùa hè, cha mẹ nên lưu tâm.

Đảm bảo bù đủ nước và cung cấp chất bổ dưỡng cho trẻ

Để trẻ khỏe mạnh, không mất nước trong mùa nóng cần chú ý chăm sóc đặc biệt hơn, trong đó chú trọng tăng cường cho trẻ uống nước, không chỉ nước lọc mà cần tăng cường các loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước rau má, nước mía… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt, nhằm chống chọi với bệnh tật.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn các món canh bổ dưỡng, thanh nhiệt cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, vừa giúp trẻ ăn uống dễ dàng thuận lợi hơn, để cơ thể trẻ luôn được cung cấp đầy đủ chất bổ dưỡng, đây chính là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Tăng cường bổ sung rau xanh, quả chín

Mùa hè thờ tiết nắng nóng cần sung thêm các loại trái cây như dưa hấu, cam, đào, dứa... đều là những loại quả rất tốt cho sức khỏe. Nên cho trẻ tăng cường ăn hàng ngày để cung cấp lượng nước đã mất. Đồng thời chúng là những loại quả rất giàu vitamin C giúp giữ ẩm. Ngoài việc bổ sung các loại trái cây, cần cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh, vì chúng chứa một lượng nước lý tưởng giúp cơ thể giữ nước một cách tự nhiên. Các loại rau như: cải xanh, bắp cải, rau bina…. Ngoài ra, rau xanh còn cung cấp nước cho da.

Làm mát cho trẻ đúng cách

Để làm mát chống mất nước mùa hè, nếu trẻ chạy đùa thì cha mẹ nên lau người bằng nước mát hoặc khăn mềm cho trẻ. Lưu ý không lau nước lạnh quá, việc lau người cho trẻ thường xuyên sẽ giúp mồ hôi không ra nhiều, làm giảm tình trạng mất nước.

Ngoài ra, có thể tắm cho trẻ vì việc tắm rửa thường xuyên rất quan trọng, đặc biệt vào những ngày nóng bức. Tắm sẽ giúp loại bỏ mồ hôi và vi khuẩn trên da trẻ, cho trẻ cảm giác mát mẻ, thoải mái. Tuy nhiên, dù là mùa hè cha mẹ cũng không nên tắm cho trẻ bằng nước lạnh, cần pha một chút nước ấm để nhiệt độ cơ thể trẻ và nước không quá chênh lệch. Cha mẹ cần cẩn trọng khi sử dụng các loại kem làm mát da chống nóng với trẻ, bởi vì da của trẻ rất nhạy cảm.

Sử dụng đúng cách các thiết bị làm mát

Điều hòa, quạt điện là những thiết bị “hạ nhiệt” không thể thiếu trong những ngày hè nắng gắt. Nhưng nếu sử dụng bừa bãi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em, vì vậy, khi sử dụng điều hòa, quạt điện cha mẹ cần lưu ý:

Điều hòa nhiệt độ dao động từ 27-28 độ C, không nên để quá thấp và chênh lệch lớn với nhiệt độ bên ngoài. Không cho con chạy ra vào phòng liên tục, vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cho trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

Không nên bật quạt to rồi để gần trẻ. Tùy theo lứa tuổi mà các cha mẹ bật quạt số to nhỏ khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần, luôn để trên 2m trở lên và bật số nhỏ nhất. Lưu ý là không để quạt thốc thẳng vào mặt trẻ.

Khi bật điều hòa mà muốn ra ngoài, nên mở cửa từ từ rồi chờ 2-3 phút mới được đi ra khỏi phòng để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.

Mặc quần áo thoáng mát

Việc lựa chọn quần áo mặc cũng có ý nghĩa quan trọng giúp cơ thể được thoải mái, dễ chịu. Vì vậy, cha mẹ nên chọn cho con yêu những bộ quần áo thoáng mát, chất liệu vải mềm được làm từ chất liệu sợi tự nhiên sẽ thấm hút mồ hôi tốt. dối với trẻ sơ sinh, vào mùa hè không nên quấn, ủ kỹ quá sẽ khiến trẻ nóng bức, khó chịu. Ngoài ra, nên hạn chế đóng bỉm, tã cho trẻ trong những ngày nắng nóng.

Ngoài ra, trẻ chơi bình thường da vẫn có nhiều mồ hôi, cha mẹ nên lau mồ hôi thường xuyên cho con, nếu quần áo con đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay quần áo khô.

Cho trẻ vận động, chơi đùa hợp lý

Để tránh mất nước, cha mẹ lưu ý thời gian cao điểm của ngày hè nóng nực là không để trẻ chơi, vận động ngoài trời khi trời nắng nóng, đặc biệt vào khung giờ từ 10 giờ trưa đến 15 giờ chiều, vì đây là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong ngày.

Vận động thể lực trong thời tiết nắng nóng có thể làm tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe do nhiệt vận động thể lực tạo ra nhiệt lượng trong cơ thể. Vì vậy, không vận động ở cường độ cao (như đá bóng ngoài trời nắng nóng), vận động theo hướng tăng dần cường độ theo ngày, để đảm bảo cơ thể thích nghi dần với thời tiết nắng nóng.

Chỉ đưa trẻ đi chơi khi trời mát, tận dụng những nơi có bóng mát và bóng râm để che nắng cho trẻ.

Trường hợp buộc phải đưa trẻ ra ngoài cần cho trẻ sử dụng áo khoác chống nắng, kính râm, mũ rộng vành hay ô để có thể chống nắng nóng cho trẻ một cách tốt nhất để phòng nắng nóng, mất nước.

Chú ý phòng bệnh cho trẻ trong mùa nóng

Thời tiết nắng nóng rất dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm như: tay chân miệng, thủy đậu, sởi, quai bị… đặc biệt đối với trẻ em ở lứa tuổi cấp 1 và cấp 2, để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, cha mẹ cần chú ý kiểm tra lịch tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.

Khi ra khỏi nhà cần đội mũ, nón hoặc mặc áo chống nắng để phòng mất nước say nắng. Tốt nhất không cho trẻ tắm sông, biển, ao hồ, sông suối lúc nắng gắt, nhất là buổi trưa, xế chiều. Không dùng quạt gió với tốc độ lớn, xoáy vào người, mỗi lần đi ngoài nắng về, không nên vào phòng máy lạnh ngay.

Sàn nhà, dụng cụ ăn uống, đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Vệ sinh tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng hình thức rửa tay sạch bằng xà phòng thích hợp. Ngủ cần nằm màn để tránh muỗi đốt. Cần diệt muỗi, gián, chuột, bọ chét để tránh mắc các bệnh do chúng truyền từ người bệnh sang người lành.

Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống chín.

Nếu cha mẹ thấy con có biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, ho nhiều, khò khè, thở nhanh, mệt mỏi thì nên đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, không tự ý mua thuốc cho con.

Bảo An

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang