Viêm âm đạo do vi khuẩn - hay còn gọi là Bacterial Vaginosis (BV) là một tình trạng viêm nhiễm phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản. Đây là kết quả của sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong môi trường âm đạo.
Hình minh hoạ.
Tuy không phải là bệnh
lây truyền qua đường tình dục, viêm âm đạo do vi khuẩn vẫn có liên quan mật thiết
đến hoạt động tình dục và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không
được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong khi đó, vì các biểu hiện thường nhẹ,
không rõ ràng hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thông thường khác, nhiều
phụ nữ đã chủ quan, bỏ qua hoặc tự điều trị theo cách truyền miệng - một sai lầm
có thể gây tổn hại lâu dài đến sức khỏe sinh sản.
Hiểu
đúng về viêm âm đạo do vi khuẩn
Thông thường, âm đạo phụ
nữ có một hệ vi sinh đa dạng với hàng triệu vi khuẩn cư trú. Trong đó, nhóm lợi
khuẩn chủ yếu là Lactobacillus, đóng vai trò duy trì độ pH ở mức axit (khoảng
3.8 - 4.5) và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại. Khi hệ vi sinh này bị
phá vỡ do nhiều nguyên nhân khác nhau, các vi khuẩn kỵ khí như: Gardnerella
vaginalis, Mobiluncus, Prevotella,... có cơ hội phát triển mạnh và gây viêm.
Viêm âm đạo do vi khuẩn không gây tổn thương ngay lập tức, nhưng nó là dấu hiệu
của một hệ sinh thái âm đạo không ổn định, dễ bị tổn thương và nhạy cảm hơn với
các tác nhân gây bệnh khác, trong đó có cả HIV và các bệnh lây truyền qua đường
tình dục.
Dấu
hiệu nhận biết: Đừng bỏ qua những thay đổi nhỏ
Một trong những đặc điểm
khiến viêm âm đạo do vi khuẩn dễ bị bỏ qua là các triệu chứng thường nhẹ, âm thầm
và không gây đau cấp tính. Tuy nhiên, phụ nữ nên đặc biệt chú ý nếu thấy các dấu
hiệu như:
Khí hư ra nhiều hơn bình
thường, có màu trắng đục, xám hoặc hơi ngả vàng.
Mùi tanh rõ rệt, nhất là
sau quan hệ tình dục - nhiều người mô tả giống như mùi cá ươn.
Cảm
giác ngứa, rát nhẹ vùng âm hộ - không thường xuyên nhưng gây khó chịu.
Điều đáng nói là không phải
tất cả phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn đều có triệu chứng. Thậm chí, có những
người chỉ phát hiện tình trạng này khi đi khám phụ khoa định kỳ hoặc khi gặp vấn
đề về sinh sản. Vì vậy, việc lắng nghe và quan sát những thay đổi nhỏ của cơ thể,
đặc biệt ở vùng kín, là vô cùng quan trọng.
Nguyên
nhân và yếu tố nguy cơ: Không chỉ đến từ vệ sinh cá nhân
Nhiều người nghĩ rằng
viêm âm đạo là do ít vệ sinh, nhưng thực tế thụt rửa âm đạo quá mức, dùng dung
dịch vệ sinh không phù hợp hoặc lạm dụng xà phòng lại chính là nguyên nhân làm
mất cân bằng hệ vi sinh. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến
viêm âm đạo do vi khuẩn gồm:
- Quan hệ tình dục không an
toàn hoặc với nhiều bạn tình có thể đưa vi khuẩn từ ngoài vào âm đạo, làm xáo
trộn môi trường vi sinh.
- Việc sử dụng kháng sinh
kéo dài cũng có thể tiêu diệt luôn cả lợi khuẩn trong âm đạo.
- Hút thuốc lá là một yếu tố
làm giảm lượng Lactobacillus.
- Dùng vòng tránh thai hoặc
các thiết bị đặt âm đạo cũng có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh.
Tóm lại, không chỉ những
người vệ sinh kém mới có nguy cơ bị viêm âm đạo do vi khuẩn. Ngay cả những phụ
nữ cẩn thận, sạch sẽ nhưng có những thói quen chưa đúng (như thụt rửa âm đạo)
cũng có thể bị viêm.
Hậu
quả nếu không điều trị kịp thời
Viêm âm đạo do vi khuẩn
không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày mà còn có thể để lại những hậu
quả nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Một trong những biến chứng
đáng lo ngại nhất là nguy cơ viêm vùng chậu - một tình trạng nhiễm trùng lây
lan lên tử cung, vòi trứng và buồng trứng, có thể dẫn đến vô sinh hoặc mang
thai ngoài tử cung. Ngoài ra, viêm âm đạo do vi khuẩn làm tăng nguy cơ lây nhiễm
HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như: lậu, chlamydia.
Đặc
biệt ở phụ nữ mang thai, viêm âm đạo do vi khuẩn liên quan đến các biến chứng
như vỡ ối sớm, sinh non và thai nhẹ cân. Chính vì vậy, các bà bầu khi có biểu
hiện bất thường ở vùng kín cần được thăm khám sớm để tránh ảnh hưởng đến thai
nhi.
Điều
trị đúng cách: Không nên tự ý dùng thuốc
Hiện nay, viêm âm đạo do
vi khuẩn có thể được điều trị hiệu quả bằng các loại kháng sinh như
Metronidazole hoặc Clindamycin, dạng uống hoặc dạng đặt. Tuy nhiên, điều quan
trọng là không nên tự ý mua thuốc theo quảng cáo hoặc truyền miệng. Việc điều
trị sai thuốc, sai liều, không đủ ngày có thể khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt
hết, dẫn đến tình trạng tái phát liên tục, kháng thuốc và khó điều trị hơn về
sau. Sau khi điều trị, một số người vẫn có nguy cơ tái phát, đặc biệt nếu các yếu
tố nguy cơ vẫn tồn tại. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thêm men
vi sinh hoặc chế phẩm hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh âm đạo.
Phòng
bệnh hơn chữa bệnh
Để phòng tránh viêm âm đạo
do vi khuẩn, phụ nữ cần xây dựng những thói quen vệ sinh lành mạnh và đúng
cách:
Không thụt rửa âm đạo, vì
hành động này có thể làm trôi mất lợi khuẩn và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại
phát triển.
Sử dụng dung dịch vệ sinh
dịu nhẹ, có pH phù hợp (khoảng 3.8 - 4.5), tránh các sản phẩm có mùi thơm hoặc
chất tạo bọt mạnh.
Quan hệ tình dục an toàn,
sử dụng bao cao su và vệ sinh sạch sẽ trước - sau khi quan hệ.
Không lạm dụng kháng
sinh.
Mặc đồ lót thoáng khí, chất
liệu cotton, tránh mặc đồ ẩm ướt quá lâu.
Khám phụ khoa định kỳ 6
tháng/lần, ngay cả khi không có triệu chứng.
Viêm âm đạo do vi khuẩn
là một tình trạng phổ biến nhưng không nên xem nhẹ. Chăm sóc sức khỏe vùng kín
không chỉ là vấn đề vệ sinh mà còn là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe sinh sản và
chất lượng cuộc sống. Việc chủ động tìm hiểu, lắng nghe cơ thể, không ngại đi
khám và điều trị đúng cách chính là bước đầu tiên để mỗi phụ nữ tự bảo vệ chính
mình. Hãy nhớ một sự chủ quan nhỏ hôm nay có thể phải trả giá bằng những hậu quả
lớn trong tương lai.
Thảo Vân